Hướng dẫn kỹ thuật ghép cây cơ bản
Ghép cây là một kỹ thuật mà bất cứ người thợ làm vườn nào cũng cần phải biết. Sau đây là 2 phương pháp ghép cây đơn giản nhất không đòi hỏi kỹ thuật ghép cao mà bạn có thể áp dụng ngay tại nhà.
Ghép cây là một kỹ thuật mà bất cứ người thợ làm vườn nào cũng cần phải biết. Sau đây là 2 phương pháp ghép cây đơn giản nhất không đòi hỏi kỹ thuật ghép cao mà bạn có thể áp dụng ngay tại nhà.
Dụng cụ ghép
Kéo cắt ghép cành cây Dao ghép chuyên dụng
1. Kỹ thuật ghép cành
– Ghép áp nhánh:
- Chọn hai cây có đặc tính khác nhau: một cây có khả năng sống khoẻ mạnh được chọn làm gốc ghép, cây còn lại có những đặc tính tốt khác như cho hoa đẹp, sai trái… được chọn làm mắt ghép. Chọn hai nhánh có kích thước gần bằng nhau, cạo vỏ hai mép cây kề nhau, ( dài 1,5-2cm, rộng 0,4-0,5cm) rồi áp chúng lại. Dùng dây nylon mỏng buộc chặt nơi tiếp xúc. Khi đoạn trên đã phình to hơn đoạn dưới chỗ ghép (chứng tỏ vết ghép đã dính), cắt bỏ phần ngọn của cây dùng làm gốc ghép, cắt gốc cành ghép cách chỗ buộc 2 cm. Đối với những cây khó ghép, có thể cắt gốc cành ghép làm 2 lần: lần đầu cắt 1/2 đường kính, 5-10 ngày sau khi cắt đứt hoàn toàn. Bây giờ, phần gốc ghép đã bị cắt bỏ ngọn sẽ nuôi phần mắt ghép phát triển và tạo một cây ghép mới vừa sống khoẻ mạnh vừa có mang những đặc tính mà ta mong muốn.
- Ưu điểm: Thao tác nhanh, dễ ghép. Tỷ lệ sống cao khi chọn đúng tổ hợp ghép, nhanh bật mầm ở cành ghép, sức sống của cành ghép tốt. Thường sử dụng trong lĩnh vực cây ăn trái.
- Nhược điểm: vị trí ghép thường nổi lên các vết sần không đẹp lắm nên ít được sử dụng trong lĩnh vực trồng bonsai.
– Ghép đoạn cành:
- Làm vệ sinh gốc ghép trước một tuần: Cắt cành phụ, làm sạch cỏ vườn, bón phân, tưới nước lần cuối để nhựa lưu thông tốt trên cây.
- Chọn những đoạn cành có màu xanh xen kẽ với những vạch màu nâu (bánh tẻ), lá to, có từ 2 -3 mầm ngủ. Giữ trong bẹ chuối tươi hoặc giẻ ẩm để đem đến vườn ươm.
- Dùng kéo cắt cành cắt ngọn gốc ghép sao cho dưới vết cắt có nhiều lá bánh tẻ là tốt nhất. Những lá bánh tẻ này sẽ tiếp tục tổng hợp dinh dưỡng nuôi cây trong khi nhờ ưu thế đỉnh mà cành ghép được cung cấp dinh dưỡng nhiều nhất trên toàn cây. Sau đó tay trái giữ gốc ghép, tay phải dùng dao cắt vát một đoạn dài 1,5-2cm. Lấy một đoạn cành có 2-3 mầm ngủ dùng dao cắt vát đầu sao cho gốc ghép và cành ghép chồng khít với nhau. Muốn vậy vết cắt phải nhẵn, phẳng và đường kính của gốc ghép và cành ghép phải tương đương.
- Sau khi buộc chặt bằng dây nilông mảnh và quấn kín vết ghép và đầu cành ghép lại. Buộc càng chắc càng tốt. Có thể cắt gốc ghép và cành ghép thành hình lưỡi gà giống nhau để gài cành ghép cho chắc.
- Nếu trong thời gian tiến hành ghép cây mà đất hạn thì tưới nước và sau ghép 3 ngày phải tưới nước cho vườn gốc ghép. Sau ghép 30-35 ngày có thể mở dây buộc kiểm tra tỷ lệ cây sống. Ghép theo hình thức này, cây con rất chóng bật mầm.
- Có thể ghép đoạn cành theo nhiều cách khác nhau như ghép nêm, ghép dưới vỏ, ghép chẻ bên (áp dụng khi gốc ghép có đường kính lớn).
Ghép chẻ bên
Ghép nêm
Ghép dưới vỏ
2. Kỹ thuật Ghép mắt
Mắt ghép là chồi non nhú lên trên nách lá.
Cành lấy mắt ghép là những cành “bánh tẻ”, đường kính gốc cành từ 6- 10 mm tùy mùa ghép và tùy theo giống loài. Mỗi cành có từ 6-8 mầm ngủ ở các nách lá to. Nên chọn những cành ngoài bìa tán, không có sâu bệnh và ở các cấp cành cao. Mỗi cành có từ 6-8 mầm ngủ ở các nách lá to. Vệ sinh chăm sóc và chuẩn bị gốc ghép như ở phương pháp ghép đoạn cành.
Có 2 phương pháp ghép mắt chủ yếu là: ghép chữ T và ghép cửa sổ.
– Ghép chữ T:
- Thường áp dụng cho những cây non, vỏ mỏng, gốc ghép phải đang lên nhựa mới thực hiện được.
- Mở miệng gốc ghép như sau: Dùng dao ghép rạch một đường ngang 1cm cách mặt đất từ 10-20cm. Sau đó từ điểm giữa rạch một đường vuông góc với đường rạch trên dài 2 cm làm thành hình chữ T; dùng mũi dao tách vỏ theo chiều dọc vết ghép. Mắt ghép có kèm theo cuống lá, dài 1,5-2cm, có một lớp gỗ rất mỏng ở phía trong. Lát cắt phải thật : ngọt tránh dập nát tế bào ở phía trong. Tay phải cầm cuống lá gài mắt ghép vào khe dọc chữ T đã mở, đẩy nhẹ cuống lá xuống. Dùng nilông mỏng và bền buộc chặt và kín vết ghép lại. Buộc càng chặt càng tốt.
1: Lấy mắt ghép
2: Tách vỏ hình chữ T trên gốc ghép
3: Đặt mắt ghép vào gốc ghép
4: Quấn kín bằng dây nilon
5: Kết quả sau khi mắt ghép phát triển tốt
- Tùy theo mùa vụ và giống loài cây mà sau ghép 15-20 ngày có thể mở dây buộc, kiểm tra sức sống của mắt ghép. Nếu mắt ghép xanh, cuống lá vàng và rụng đi là chắc sống. Từ 7-10 ngày sau khi mở dây buộc có thể cắt ngọn gốc ghép.
– Ghép cửa sổ:
- Thường áp dụng đối với những cây to, vỏ dày và già.
- Dùng dao ghép mở “cửa sổ” trên thân gốc ghép. Nếu đất ẩm thì mở cửa sổ cao, đất khô cần ghép thấp hơn. Kích thước miệng ghép “cửa sổ” 1 x 2 cm. Bóc một miếng vỏ trên cành ghép đã mở. Đặt mắt ghép vào “cửa sổ” đã mở của gốc ghép, đậy cửa sổ lại và quấn dây nilông mỏng cho thật chặt. Trong vài ngày dầu không nên tưới vì có thể làm úng và hỏng mắt ghép. Sau ghép 15-20 ngày có thể mở dây buộc và cắt miếng vỏ đậy ngoài của gốc ghép, nếu có nhựa hàn kín, chứng tỏ việc ghép dã thành công. Cắt ngọn gốc ghép cách vết ghép 2cm và nghiêng một góc 450 về phía ngược chiều với mắt ghép. Ghép cửa sổ là một trong những phương pháp ghép có tỷ lệ sống cao nhất.
Kỹ thuật ghép cửa sổ
Xem thêm
- Hướng dẫn kỹ thuật ghép cây nhãn
- Hướng dẫn kỹ thuật ghép cây mắc ca
- Hướng dẫn kỹ thuật ghép cây sầu riêng