Hướng dẫn cách xử lý khi bị bỏng điện

Hướng dẫn cách xử lý khi bị bỏng điện

lamtho.vn 24/10/2017 09:24

Cách xử lý đầu tiên khi xảy ra sự cố bỏng điện là bạn cần tắt các thiết bị điện hoặc cắt nguồn điện chính để ngắt dòng điện truyền qua cơ thể.

Bỏng điện là một trong những tai nạn rất nguy hiểm đối với con người. Các bạn nên biết cách xử lý khi xảy ra sự cố, tránh những hậu quả đáng tiếc cho bạn và người thân.

1. Cách xử lý các trường hợp bị bỏng điện nặng

– Không chạm vào nạn nhân khi họ vẫn còn tiếp xúc với nguồn điện: Việc đầu tiên bạn cần làm là tắt các thiết bị điện hoặc cắt nguồn điện chính trong nhà để ngắt dòng điện truyền qua cơ thể nạn nhân. Nếu không thể ngắt nguồn điện ngay lập tức, bạn hãy đứng trên bề mặt khô – chẳng hạn như thảm cao su hoặc một chồng giấy hay sách báo – và dùng một vật bằng gỗ như cán chổi để đẩy nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Không dùng bất cứ vật nào ướt hoặc bằng kim loại.

– Không di chuyển nạn nhân nếu không cần thiết: Khi nạn nhân không còn tiếp xúc với dòng điện, cố gắng không di chuyển họ trừ khi thật cần thiết.

– Kiểm tra xem nạn nhân có phản ứng không: Nạn nhân có thể bất tỉnh hoặc không phản ứng khi bạn chạm vào hoặc nói chuyện với họ. Nếu người đó không thở, bạn hãy thực hiện hô hấp cấp cứu và thủ thuật hồi sức tim phổi (CPR).

– Gọi cấp cứu để được hỗ trợ: Bỏng điện có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim. Gọi 115 hoặc số điện thoại cấp cứu khác, nhất là khi nạn nhân không có phản ứng, hoặc bị bỏng từ đường dây điện cao thế, hoặc bị sét đánh.

  • Nến tim nạn nhân ngừng đập, bạn cần thực hiện thủ thuật CPR.
  • Ngay cả khi nạn nhân vẫn tỉnh táo, bạn vẫn nên gọi cấp cứu nếu người đó bị bỏng nặng, tim đập nhanh, loạn nhịp tim/ngưng tim, co giật, khó khăn khi bước đi hoặc giữ thăng bằng, xuất hiện vấn đề về thị lực hoặc thính lực, nước tiểu màu đỏ hoặc đen hơi đỏ, tinh thần lẫn lộn, đau và co rút cơ hoặc khó thở.
  • Lưu ý rằng nạn nhân có thể bị tổn thương thận, hệ thần kinh và xương.

– Xử lý vùng bị bỏng trong khi chờ đợi sự trợ giúp y tế:

  • Che vết bỏng bằng băng gạc khô và vô trùng. Đối với trường hợp bỏng nặng, không cố gắng gỡ những mảnh quần áo dính vào da. Tuy nhiên bạn có thể cắt bỏ phần quần áo không bị dính xung quanh vùng da bỏng, nhất là khi chúng có thể gây rắc rối khi da bị sưng.
  • Không dùng chăn hoặc khăn tắm phủ lên vết bỏng vì các sợi rơi ra có thể dính vào vết thương.
  • Không cố gắng làm mát vùng da bỏng bằng nước hoặc nước đá.
  • Không bôi dầu mỡ lên vùng da bỏng.

– Kiểm tra nạn nhân để phát hiện các triệu chứng sốc: Nạn nhân có thể ớn lạnh, da ẩm và lạnh, nhợt nhạt và/hoặc mạch đập nhanh. Theo dõi bất cứ dấu hiệu nào trong số các triệu chứng đó để báo với đội cấp cứu khi họ đến nơi.

– Giữ ấm cho nạn nhân: Cố gắng giúp nạn nhân khỏi lạnh, một yếu tố khiến các triệu chứng sốc trở nên trầm trọng hơn. Nếu dùng chăn đắp cho nạn nhân, bạn cần tránh vùng bị bỏng trong khi chờ các nhân viên cấp cứu tới.

– Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Dựa vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng sốc và bỏng, bác sĩ cấp cứu và điều dưỡng có thể sẽ thực hiện một loạt các xét nghiệm và lựa chọn các phương pháp điều trị.

  • Họ thường sẽ cho làm xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra tổn thương ở các cơ bắp, tim và các cơ quan khác.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) sẽ ghi lại hoạt động điện của tim để đảm bảo tình trạng sốc không gây loạn nhịp tim.
  • Đối với các trường hợp bỏng nặng, nhân viên y tế có thể chụp xạ hình (scintigraphy) để tìm mô chết cần phải loại bỏ.

– Tuân thủ phác đồ điều trị: Bác sĩ thường chỉ định thuốc giảm đau vì vết bỏng có thể rất đau trong thời gian chưa lành. Có thể bạn sẽ được kê toa thuốc mỡ hoặc kem kháng sinh để bôi lên vùng da bỏng khi thay băng theo hướng dẫn.

– Quan sát các dấu hiệu nhiễm trùng: Phác đồ điều trị thường sẽ bao gồm thuốc kháng sinh để giữ vết bỏng khỏi nhiễm trùng. Tuy nhiên, bạn cũng nên quan sát các biểu hiện nhiễm trùng và đến bác sĩ ngay khi nhận thấy vết thương bắt đầu nhiễm trùng. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc kháng sinh mạnh hơn. Các dấu hiệu nhiễm trùng tiềm tàng bao gồm:

  • Chuyển màu ở vùng da bỏng hoặc vùng da xung quanh.
  • Da chuyển màu đỏ tía, đặc biệt nếu kèm hiện tượng sưng.
  • Thay đổi độ dày của vết bỏng (vết bỏng đột nhiên phát triển sâu vào da).
  • Chảy dịch xanh hoặc mủ.
  • Sốt.

– Thay băng thường xuyên: Thay băng mỗi khi bị ướt hoặc bẩn. Rửa sạch tay hoặc đi găng tay để rửa vết bỏng với nước và xà phòng nhẹ dịu, bôi thêm thuốc mỡ kháng sinh (nếu được bác sĩ hướng dẫn) và băng lại bằng gạc không dính vô trùng.

– Trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn phẫu thuật trong trường hợp bỏng nặng: Với trường hợp bỏng độ ba, bác sĩ có thể đề nghị một số lựa chọn phẫu thuật, dựa vào độ rộng và vị trí vết bỏng. Một số lựa chọn bao gồm:

  • Phương pháp mở ổ (debridement), một phương pháp loại bỏ các mô chết hoặc tổn thương nghiêm trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng, viêm và giúp vết thương mau lành.
  • Ghép da hoặc vạt da (flaps), một quá trình thay da bị mất bằng da khỏe mạnh lấy từ khác vị trí khác để hỗ trợ quá trình chữa lành và ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Can thiệp ngoại khoa sớm (escharotomy) là phương pháp rạch vào mô chết đến lớp mỡ bên dưới, có thể giúp cải thiện lưu thông máu cũng như giảm đau do áp lực gây ra từ tình trạng sưng tấy.
  • Thủ thuật cắt mạc (fasciotomy) – hay giảm áp lực gây ra do các cơ bị sưng tấy – có thể giúp giảm tổn thương cho các dây thần kinh, mô hoặc các cơ quan.

– Trao đổi với bác sĩ về việc tập vật lý trị liệu nếu cần thiết: Các vết bỏng nặng có thể gây tổn thương cơ và khớp, dẫn đến giảm chức năng vận động. Bạn có thể tìm lại độ dẻo dai ở vùng tổn thương, tăng khả năng vận động và giảm đau khi vận động nhờ tập vật lý trị liệu.

2. Cách xử lý trường hợp bị bỏng điện nhẹ

– Cởi quần áo hoặc tháo đồ trang sức ở vị trí bỏng: Ngay cả những vết bỏng nhẹ cũng có thể bị sưng, do đó bạn cần nhanh chóng cởi bỏ quần áo hoặc đồ trang sức gần vết bỏng có khả năng gây rắc rối cho vùng tổn thương. Nếu quần áo dính vào vết bỏng thì đó không phải là vết bỏng nhẹ, và bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Không cố gắng cởi bỏ quần áo dính vào vết bỏng mà nên cắt xung quanh vị trí bị dính, chỉ cởi bỏ những phần không bị dính.

– Dùng nước mát rửa vùng bị bỏng cho đến khi cảm thấy hết đau: Nước mát sẽ hạ nhiệt độ trên da, thậm chí còn giúp vết bỏng không nặng thêm. Để vùng da bỏng dưới dòng nước lạnh hoặc ngâm trong nước lạnh khoảng 10 phút. Đừng lo lắng nếu nước không làm dịu đau ngay: thông thường phải cần đến 30 phút mới thấy hiệu quả.

  • Không bao giờ dùng đá hoặc nước đá, vì nhiệt độ quá lạnh có thể khiến các mô tổn thương thêm.
  • Bạn có thể ngâm cánh tay, bàn tay, bàn chân và chân bỏng vào chậu nước mát, và dùng gạc mát chườm lên chỗ bỏng trên mặt hoặc cơ thể.

– Rửa tay: Bạn sẽ phải rửa vết bỏng để giảm rủi ro nhiễm trùng. Tuy nhiên, một điều vô cùng quan trọng là phải rửa tay thật kỹ trước khi xử lý vết bỏng, vì các vết phồng rộp khi bị vỡ sẽ rất dễ nhiễm trùng. Điều này cũng có nghĩa là chỉ sử dụng vải, gạc và găng tay sạch, hoặc bất cứ thứ gì dùng để xử lý vết bỏng cũng cần phải sạch.

– Không làm vỡ các vết phồng rộp: Các vết phồng rộp do bỏng không giống các vết phồng do xây xát nhẹ mà bóc ra có thể giúp giảm đau. Không làm vỡ bất cứ vết phồng rộp nào do bỏng; nếu không, nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao.

– Rửa sạch vùng bị bỏng: Dùng xà phòng nhẹ dịu và nước mát để rửa vùng da bị bỏng. Xoa xà phòng nhẹ nhàng sao cho không làm vỡ các vết phồng hoặc gây kích ứng da. Một số mẩu da có thể bong ra trong quá trình rửa.

– Thấm khô da: Chỉ dùng vải sạch để thấm khô da. Không dùng vải chà lên vết bỏng. Tốt nhất là dùng gạc vô trùng nếu sẵn có. Trong trường hợp bỏng độ một rất nhẹ, có thể đó là mọi việc bạn cần làm để xử lý vết bỏng.

– Bôi thuốc mỡ kháng sinh: Bạn có thể dùng các loại thuốc mỡ như Bacitracin hoặc Polysporin mỗi lần rửa vết bỏng. Không xịt kem hoặc thoa bơ lên vết bỏng vì chúng có thể ngăn nhiệt thoát ra ngoài.

– Băng vết bỏng: Dùng băng sạch băng lỏng vùng da bỏng. Thay băng mỗi khi bị ướt hoặc bẩn để tránh nhiễm trùng. Tránh băng quá chặt, nếu không bạn sẽ làm vết bỏng tổn thương thêm.

  • Không cần băng nếu vùng da bỏng không bị rách hoặc các vết phồng rộp không bị vỡ. Tuy nhiên, bạn nên băng nếu vùng tổn thương ở vị trí dễ nhiễm bẩn hoặc bị kích ứng do quần áo cọ vào.
  • Không dùng băng dính để cố định băng khiến bàn tay, cánh tay hoặc chân bị bó kín. Điều này có thể gây sưng.

– Uống thuốc giảm đau không kê toa: Acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp làm dịu các triệu chứng đau nhẹ. Sử dụng đúng theo hướng dẫn.

– Cân nhắc liên lạc với bác sĩ: Các vết bỏng điện, ngay cả khi có vẻ như bỏng nhẹ, cũng có thể dẫn đến các triệu chứng khiến bạn phải đến bác sĩ. Bạn cần đi khám nếu:

  • Cảm thấy chóng mặt hoặc yếu sức.
  • Cứng khớp hoặc đau cơ.
  • Lẫn lộn hoặc mất trí nhớ.
  • Thắc mắc hoặc lo ngại về tình trạng của mình hoặc về cách chăm sóc.

– Quan sát các dấu hiệu nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng ít có nguy cơ xảy ra với các vết bỏng nhẹ độ một. Tuy nhiên bạn nên luôn luôn để ý đến vết bỏng và phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng nếu có, đặc biệt khi có các vết phồng rộp hoặc rách da. Nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kê toa thuốc kháng sinh nếu bạn cho rằng vết bỏng bị nhiễm trùng. Các dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Thay đổi màu sắc trên vùng da bỏng hoặc vùng da xung quanh.
  • Da chuyển màu đỏ tía, đặc biệt là khi kèm theo hiện tượng sưng tấy.
  • Thay đổi độ dày của vết bỏng (vết bỏng đột nhiên đi sâu vào da).
  • Chảy dịch xanh hoặc mủ.
  • Sốt.

– Nhờ bác sĩ kiểm tra vết phồng rộp lớn: Nếu các vết phồng rộp lớn xuất hiện trên vết bỏng, bạn nên đến bác sĩ để xử lý. Các vết phồng rộp lớn rất hiếm khi còn nguyên vẹn và không bị rách, do đó tốt hơn là bạn nên đến bác sĩ để bóc ra với các biện pháp vô trùng và thận trọng. Vết phồng rộp được coi là lớn khi lớn hơn móng ngón tay út.

– Thường xuyên thay băng: Thay băng bất cứ khi nào băng bị ướt hoặc bẩn. Rửa vết bỏng (dùng tay sạch hoặc găng tay) bằng nước và xà phòng nhẹ dịu, bôi thêm thuốc mỡ kháng sinh và dùng gạc vô trùng không dính băng lại.

3. Một vài lời khuyên tránh nguy cơ bỏng điện

– Không cố sửa chữa các thiết bị điện khi chưa kiểm tra thật kỹ để đảm bảo không còn nguồn điện truyền trong thiết bị đó.

– Sử dụng nút bịt ổ cắm điện trong nhà để bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ.
– Thay các dây điện mòn hoặc sờn.
– Khi gọi cấp cứu, cần nói rằng bạn đang giúp người bị bỏng điện. Họ sẽ hướng dẫn bạn thực hiện các bước cấp cứu.
– Để bình chữa cháy gần bên khi làm việc với thiết bị điện.
– Để ngăn ngừa bỏng điện, bạn cần mặc trang phục thích hợp và áp dụng các biện pháp cẩn trọng khi sửa điện.
– Học cách xác định triệu chứng của các loại bỏng độ một, độ hai và độ ba để quyết định các bước tiếp theo, tùy vào loại bỏng.

  • Bỏng độ một là loại ít nghiêm trọng nhất, chỉ ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng của da. Loại bỏng này khiến da bị đỏ và thường hay đau. Tuy nhiên bỏng độ một được coi là nhẹ và có thể điều trị tại nhà.
  • Bỏng độ hai nặng hơn bỏng độ một, ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng và lớp thứ hai của da. Loại bỏng này có thể khiến da đỏ nhiều, xuất hiện những vết phồng rộp, gây đau và mẫn cảm. Các vết bỏng nhỏ có thể chữa tại nhà, nhưng các vết bỏng rộng đòi hỏi phải được chăm sóc y tế.
  • Bỏng độ ba nặng nhất và nguy hiểm nhất, ảnh hưởng đến tất cả các lớp da. Loại bỏng này có thể khiến da chuyển màu đỏ, nâu hoặc trắng, nhưng thường là đen. Vùng da bỏng nhăn nheo và thường không có cảm giác. Loại bỏng này cần được cấp cứu ngay.

– Không bao giờ chạm vào người đang bị điện giật, nếu không bạn cũng sẽ trở thành nạn nhân.
– Không bước vào vùng có các thiết bị điện tiếp xúc với nước hoặc ẩm ướt.
– Trong trường hợp cháy do chập điện, ngắt nguồn điện trước, sau đó dùng bình chữa cháy để dập lửa.

Xem thêm

Nhận xét, đánh giá

5

star star star star star
1 đánh giá
5 sao (100%)
4 sao (0%)
3 sao (0%)
2 sao (0%)
1 sao (0%)

Sản phẩm liên quan

Chưa có sản phẩm nào được chọn mua.
Vui lòng chọn mua sản phẩm!