Hướng dẫn cách ghép cây ổi không hạt
Giống ổi không hạt đang được rất nhiều chủ làm vườn quan tâm bởi quả to lại thơm ngon. Cùng tìm hiểu xem cách ghép cây ổi không hạt này như thế nào nhé
Giống ổi không hạt đang được rất nhiều chủ làm vườn quan tâm bởi quả to lại thơm ngon. Cùng tìm hiểu xem cách ghép cây ổi không hạt này như thế nào nhé
1. Đặc tính cây ôi không hạt
Ổi không hạt có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, có thể ra hoa sau 6 tháng trồng, sau đó có thể ra hoa liên tục quanh năm, tuỳ vào sự chăm sóc (bấm đọt, bón phân…). Dấu hiệu để nhận biết thời điểm bấm đọt là khi thân cành chuyển từ màu xanh sang màu cà phê. Một tháng sau khi bấm đọt, cành sẽ ra bông màu trắng.
Ổi có thể trồng được ở nhiều loại đất. Có khả năng chịu hạn tốt và chịu ngập vài ngày nhưng không chịu úng nước kéo dài, pH thích hợp từ 4.5-8.2. Nhưng sẽ cho năng suất cao và phẩm chất tốt khi trồng trên đất phù sa, giàu chất hữu cơ.
2. Chuẩn bị dụng cụ
– Kéo cắt cành cây chuyên dụng và băng keo ghép cây
– Chuẩn bị gốc ghép: Dùng các giống ổi địa phương gieo hạt cho mọc cao khoảng 70 – 80cm, đường kính khoảng 1 – 1,5cm để làm gốc ghép.
– Chuẩn bị cành ghép: Trên cây mẹ, chọn những đoạn cành bánh tẻ, đường kính khoảng 0,8 – 1cm để cắt thành các đoạn cành ghép dài 4 – 5cm, có 1 – 2 mầm mắt hữu hiệu.
3. Các bước thưc hiện ghép cây ổi
Bước 1: Dùng kéo cắt ngang thân gốc ghép cách mặt đất 15 – 20cm rồi dùng dao sắc chẻ 1/3 gốc ghép từ trên xuống, sâu khoảng 2cm. Cành ghép được cắt vát hình nêm rồi cắm vào phần gốc ghép sao cho 2 phần gỗ gốc ghép và cành ghép chồng khít lên nhau.
Cây ổi ghép
Bước 2: Dùng băng keo ghép cây quấn chặt từ dưới lên trên bao hết toàn bộ cành ghép để tránh nhiễm khuẩn và mất hơi nước. Khi thấy mầm trên cành ghép đã nẩy, vết ghép đã liền sẹo, tháo bỏ băng keo cho chồi nhanh phát triển.
4. Chăm sóc cây sau khi ghép
Thường xuyên tưới đủ ẩm, khi cành lá đã ổn định bón thúc thêm phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho đến khi cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn thì đem trồng ra vườn sản xuất.
5. Một số lưu ý
Thời vụ cho ghép và trồng cây tốt nhất là vụ xuân (tháng 3 – 4) và vụ thu (tháng 8 – 10).
Trước khi ghép cây ổi, nên bón thêm phân kali thì dễ bóc vỏ, cây nhanh ra rễ, dễ tiếp hợp, tỷ lệ cây sống sẽ cao.
Trên đây là kỹ thuật ghép cây ổi mà chúng tôi sưu tầm được, mong muốn giúp người trồng cây tham khảo để có sự chuẩn bị trước khi tiến hành ghép và chăm sóc cây ổi sau khi ghép.