Tự trồng đậu đũa ngay tại nhà vừa ngon miệng lại đảm bảo an toàn
Kỹ thuật trồng đậu đũa khá dễ nên được trồng ở nhiều nơi. Ngoài dùng làm thức ăn, quả đậu đũa còn chữa một số bệnh như khó tiêu, đau lưng, mụn nhọt vv.
Đậu đũa thường được các chị em nội trợ mua về chế biến thành các món xào với thịt bò hoặc luộc chấm mắm ăn rất ngon và mát. Ngoài dùng làm thức ăn, quả đậu đũa còn được dùng như một vị thuốc giúp chữa một số bệnh như khó tiêu, đau lưng, mụn nhọt vv. Có thể nói đây là loại cây có nhiều công dụng.
Kỹ thuật trồng đậu đũa khá dễ nên được trồng ở nhiều nơi. Không cần phải là những người làm vườn thực thụ mới có thể sở hữu một giàn đậu đũa. Với lòng quyết tâm và học theo những chỉ dẫn dưới đây. Chắc chắn bạn sẽ có được những giàn đậu đũa xanh mướt mắt và đậu thật nhiều quả.
Chuẩn bị
Hạt giống đậu đũa: Bạn có thể lấy hạt giống từ lứa trước để giành hoặc mua ở những cửa hàng có bán hạt giống.
Các dụng cụ làm vườn : bình tưới, xẻng, bay…
Vật liệu làm giàn: Có thể dùng vật liệu bằng tre hoặc dây thép đều được.
Các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh…
Các bước trồng đậu đũa
Bước 1: Lựa chọn hạt giống khỏe mạnh
Tùy vào bạn thích loại đậu đũa thân thấp hay cao mà lựa chọn hạt giống cho phù hợp. Nếu như không muốn mất nhiều công sức bạn có thể mua luôn hạt giống ngoài cửa hàng. Còn nếu muốn thu hoạch quả để giống cho năm sau thì bạn nên chọn những quả đậu đũa to, dài và mập.
Để chúng thật già trên cây sau đó hái xuống đem phơi khô và tách lấy hạt bên trong. Hạt càng già sẽ cho chất lượng hạt giống bên trong tốt nhất, tỷ lệ nảy mầm cao và cây con khỏe mạnh.
Hạt quả đậu đũa khi già có màu nâu đỏ, to hơn hạt đỗ đen, dài khoảng 1 cm. Chọn những hạt to đồng đều sẽ giúp cho cây con sau này sinh trưởng khỏe mạnh.
Bước 2: Làm đất và gieo hạt
Cần chuẩn bị đất trồng thật tốt thì mới mong hạt nảy mầm và cây sinh trưởng khỏe mạnh. Đất để làm giá thể gieo hạt đậu đũa nên là đất cát pha có trộn vụn xơ dừa hoai mục. Cho chúng vào những chiếc khay chuyên dụng dùng để gieo hạt. Hạt giống trước khi đem gieo bạn nên xử lý qua bằng nước ấm khoảng 4 tiếng sau đó vớt ra và ủ vào khăn ẩm cho nứt nanh rồi mới đem gieo vào khay.
Với mỗi ô bạn gieo một hạt. Gieo xong phủ kín đất lại và tưới nhẹ lên bề mặt luống. Để khay hạt giống vào chỗ râm mát và giữ ẩm thường xuyên cho khay. Nếu điều kiện thích hợp chỉ 5 ngày sau là đã xuất hiện cây con.
Sau 5 ngày, những dấu hiệu nảy mầm đầu tiên đã xuất hiện.
Lưu ý: Chỉ dùng một lớp đất mỏng lấp nhẹ lên trên hạt giống, tránh lấp quá chặt hạt khó nẩy mầm. Tránh tưới quá nhiều sau khi gieo, hạt hút nước nhanh làm rách vỏ hạt, hạt không mọc được.
Sau 10 ngày cây con đạt chiều cao khoảng 5 đến 7 cm.
Bước 3: Trồng cây
Sau khi cây con đạt chiều cao từ 10 đến 15 cm, lá thật lúc này đã ra nhiều bạn chuẩn bị phải chuyển nhà cho chúng sang nơi ở mới rộng rãi hơn. Chọn lựa ra những cây khỏe mạnh nhất giữ lại trồng, Loai bỏ những cây con còi cọc kém phát triển.
Đậu đũa không kén đất trồng nhưng phải là loại đất dễ thoát nước, nhất là vào thời kì mưa nhiều. Do vậy tốt nhất bạn nên trồng đậu đũa trên đất cát pha, đất thịt nhẹ có độ phì nhiêu cao và tơi xốp. Độ pH khoảng 6 đến 7.
Cây con sau khi được trồng xuống đất cần tưới nước để giúp mau lớn.
Lúc này cây con đã bắt đầu tập làm quen dần với môi trường bên ngoài, không còn được bao bọc che chở nữa. Cây đậu đũa sẽ sống nhờ chất dinh dưỡng của đất, nước và quang hợp ánh sáng mặt trời. Đậu đũa là loại cây ưa ẩm, ưa ánh sáng. Cần giữ cho đất luôn luôn ẩm thì cây mới phát triển tốt.
Đậu đũa cần nhiều nước ở 2 giai đoạn chính. Từ lúc gieo đến khi cây có 6 lá thật và thời kỳ ra hoa đậu quả, cần cung cấp đủ nước thường xuyên. Và duy trì độ ẩm ở mức 70 – 80% nhưng không được để bị úng ngập, dễ làm thối rễ. Hấp thụ nhiều ánh sáng giúp cây mau ra hoa và đậu quả.
Bước 4: Làm giàn
Sau khoảng 2 tuần thì cây bắt đầu vươn cao. Lúc này bạn cần tạo cho chúng một giá thể để chúng bám vào và phát triển. Giàn leo có thể làm bằng dây thép gai hoặc bằng gỗ. Cao khoảng 2 mét là thích hợp cho việc phát triển và thu hái quả sau này.
Chú ý: Ở giai đoạn tạo giàn bạn thường xuyên xới xáo đất để đất bên dưới được thông thoáng giúp bộ rễ của cây phát triển. Nên kết hợp với việc làm cỏ dại xung quanh giúp cây phát triển tốt hơn.
Chăm sóc
Bón phân cho cây: Bạn nên chia giai đoạn bón phân cho cây ra làm 3 lần. Lần 1 từ khi cây còn non, lần 2 từ khi cây bắt đầu bám giàm và lần 3 từ khi cây ra hoa và cho quả. Chỉ nên dùng các loại phân đạm và Kali thông thường để bón cho cây đậu đũa theo liều lượng nhất định. Tránh bón nhiều sẽ gây xót cây.
Sau khoảng 40 ngày gieo trồng cây bắt đầu cho ra hoa rộ.
Sau khi cây ra hoa thì 3 đến 4 ngày sau những quả non sẽ mọc ra từ phần đài hoa. Lúc này bạn cần tỉa bớt lá già để cho giàn thông thoáng giúp đón được nhiều ánh nắng mặt trời giúp quả mau lớn.
Thu hoạch quả
Đến ngày thứ 50 thì quả đã dài 20 đến 25 cm. Lúc này quả vươn dài rủ xuống quanh giàn nhìn trông như những chiếc đũa.
Những quả đậu đũa cho thu hoạch đạt chiều dài từ 40 đến 50 cm có màu xanh sẫm khi cầm khá chắc tay.
xem thêm